18 năm chờ đợi, 9 lần mang thai, lần đầu làm mẹ ở tuổi 45
Sau 8 lần mang thai không thành, cuối cùng chị L.T. T.H (SN 1978, quê tại Ninh Bình) cũng được trải qua cảm giác hạnh phúc tột cùng khi đón đứa con đầu lòng khi đã bước sang độ tuổi U50.
Mái tóc đã điểm bạc, chị H. không khao khát gì hơn là được đón một thiên thần chào đời khỏe mạnh. May mắn chưa mỉm cười khi với chị khi đã trải qua 5 lần thai lưu, 3 lần chửa ngoài tử cung, nhiều lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không thành công. Tới lần chuyển phôi cuối cùng, chị H. quyết định nếu không thành công thì sẽ chấp nhận số phận.
May mắn thay, dường như ông trời thấu hiểu được nỗi lòng khao khát 18 năm qua khi chị đậu thai và từ đó, hành trình giữ thai gian nan bắt đầu.
Ở lần mang thai thứ 9, chị H. được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát hiện mắc tiểu đường thai kỳ (khi không mang thai thì không bị), tuần 24 đi khám đường huyết lên 13.9, được chỉ định tiêm 28 đơn vị insulin/ngày đồng thời tư vấn chị chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, đảm bảo cho cả mẹ và bé.
Từng ngày trôi qua, chị H. theo sát chế độ ăn uống do bác sĩ tư vấn, nhờ được kiểm soát tốt nên sản phụ trải qua các mốc kiểm tra quan trọng và dần cảm nhận đứa con yêu vẫn đang khỏe mạnh, chị H. càng có thêm động lực cố gắng.
Bé gái khỏe mạnh cân nặng 2,8kg ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình, đánh dấu kết thúc chặng đường dài đằng đẵng mong ngóng con yêu của vợ chồng chị H. sau 18 năm kết hôn.
Theo dõi an toàn tới 38 tuần 4 ngày, qua quá trình thăm khám cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng, nhận thấy đây là thời điểm thích hợp đón bé chào đời, chị H. được chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và cháu bé.
Ngày 3/12/2023, ca phẫu thuật do BS CKI. Bùi Chí Dũng - Khoa Phụ ngoại A5 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cùng ekip thực hiện thành công, một bé gái khỏe mạnh cân nặng 2,8kg ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình, đánh dấu kết thúc chặng đường dài đằng đẵng mong ngóng con yêu của vợ chồng chị H. sau 18 năm kết hôn.
"Kỳ tích" của cặp vợ chồng 8 năm hiếm muộn
Trường hợp tương tự là câu chuyện của chị Trần Thị T. (SN 1992, quê Nam Định) khi chị đã từng trải qua 3 lần chuyển phôi không thành công trong 6 năm. Đầu tháng 2/2023, chị T. đã đậu cả 2 thai ở lần chuyển phôi lần thứ 4.
Tuy nhiên, đến tuần 16 của thai kỳ, cổ tử cung tụt còn 17mm, chị được chỉ định khâu vòng cổ tử cung dự phòng. Đến 20 tuần 4 ngày, cổ tử cung mở, 1 trong 2 túi ối thõng âm đạo, các bác sĩ tại một cơ sở y tế tiên lượng không giữ được thai nên chuyển tuyến sản phụ tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đình chỉ thai kỳ.
Chị T. nhập viện Khoa Đẻ thường A2 (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội). Tuy nhiên do không có cơn co tử cung, chị được chuyển khoa Sản bệnh A4 để tìm cách giữ thai. Chị được các bác sĩ khoa Sản bệnh A4 theo dõi và điều trị.
Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp rất khó giữ cả 2 thai, lộ trình điều trị có thể phải cho thai thõng ối đẻ trước để cứu thai còn lại. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ bệnh viện chỉ định giữ thai, tiên lượng sẽ đẻ một thai và tiếp tục giữ thai còn lại.
Đây là ca bệnh cực khó và hiếm gặp nên GS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. Tới tuần 24, theo đúng tiên lượng của các bác sĩ, chị T. xuất hiện cơn chuyển dạ và sinh non một thai, em bé mất ngay sau sinh.
Các bác sĩ quyết định buộc dây rốn giữ lại bánh rau, dùng các thuốc điều trị để tiếp tục giữ em bé còn lại trong bụng mẹ. Cứ như vậy, hành trình giữ thai tại khoa Sản bệnh A4 của chị T. tiếp tục.
Chị T. tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt. Hành trình có lúc tưởng chừng gặp khó khăn vô cùng, những ngày đầu sau đẻ thai đầu tiên, tử cung co bóp nhằm đẩy thai còn lại ra ngoài. Dấu hiệu nhiễm trùng xuất hiện từng đợt, cứ như vậy, các bác sĩ khoa Sản bệnh A4 phối hợp với khoa Dược lâm sàng đổi thuốc, đổi phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp.
Khi ở tuần 27, thai nhi có dấu hiệu cạn ối, bác sĩ phải siêu âm mỗi ngày để theo dõi sát tình trạng em bé. Mỗi ngày qua đi đều là cả một sự cố gắng không ngừng của cả sản phụ và đội ngũ y bác sĩ.
Ngày 25/9, ở thời điểm thai 32 tuần 5 ngày, chị T. bị vỡ ối, lúc này ngôi thai xoay ngang và có nguy cơ sa dây rốn. Để đảm bảo an toàn cho em bé, tránh nguy cơ suy thai nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định mổ lấy thai cho chị T.
Ekip gồm GS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh, Ths. BSCKII. Trương Minh Phương phẫu thuật thành công, đón một bé trai nặng 2kg khỏe mạnh, cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ òa của ekip phẫu thuật cũng như nhóm bác sĩ trực tiếp điều trị giữ thai cho sản phụ.
Câu chuyện của chị H. và chị T. là 2 trong số rất nhiều những "may mắn nở muộn" đối với những người đang khao khát làm mẹ. Hành trình tìm con của họ tuy gian lao, vất vả thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ nhưng cái kết đó thật đẹp khi cuối cùng ở độ tuổi "đã toan về già" họ đã được đón con trong niềm vui tột cùng hạnh phúc.
Nam AnhTags:hiếm muộn, Hạnh phúc, thiên thần nhỏ, phụ sản, sản phụ, bệnh viện phụ sản hà nội, y tế, ngành y tế,
Tags:Hiếm muộn
hạnh phúc
thiên thần nhỏ
phụ sản
sản phụ
bệnh viện phụ sản Hà Nội
Y tế
ngành y tế
chữa hiếm muộn
Tin cùng chuyên mục
5 đặc điểm ở người phụ nữ khiến đàn ông vừa yêu vừa nể và muốn sống cùng cả đời
5 đặc điểm ở người phụ nữ khiến đàn ông vừa yêu vừa nể và muốn sống cùng cả đời