29/08/2022 11:15

Áp lực kiếm tiền của lao động xa xứ

Chị Hồng, 48 tuổi, quê huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quyết định đi Đài Loan hơn 10 năm trước vì "ở nhà khổ quá". Kết hôn năm 1996, chị lần lượt sinh hai trai, hai gái, cuộc sống ban đầu gắn bó với nghề biển, song chồng sức khỏe yếu, bữa đi bữa nghỉ. Chị làm đủ nghề buôn tôm bán cá, nhặt ve chai, phụ hồ mà vẫn thiếu trước hụt sau. Một lần, con trai học lớp 4 xin tiền nộp học phí, chị xoay xở không được. Đêm về trằn trọc, chị nói với chồng: "Hay là em đi xuất khẩu lao động?".

Để chi phí cho chuyến đi Đài Loan vào năm 2008, chị Hồng vay ngân hàng và người thân hơn 30 triệu đồng. Theo hợp đồng, chị đến trại dưỡng lão ở TP Cao Hùng, miền Nam Đài Loan, để chăm sóc người cao tuổi. Mỗi ngày chị làm việc 8 tiếng, tăng ca là 12 tiếng, hỗ trợ 40 người già. Mức lương thời đó ở Đài Loan hơn 7 triệu đồng, trừ các chi phí sinh hoạt, ăn ở, chị tiết kiệm được một nửa.

Những tháng đầu không biết tiếng, đi làm về chị giam mình trong căn phòng ký túc xá 15 m2 ở trại dưỡng lão. Phòng chỉ có hai chiếc nồi, một chiếc phích, vài chiếc bát và đôi đũa để thỉnh thoảng tiện nấu đồ ăn liền. Vật dụng đáng giá nhất là chiếc quạt điện nhỏ dùng khi nóng bức.

Mạng xã hội thời đó chưa phát triển, để liên lạc về nhà chị phải mua thẻ điện thoại rồi ra bốt công cộng gọi, mỗi tháng chỉ dám gọi về một lần. "Nhiều lần nghe con nói nhớ mẹ, tôi cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Thấy những đứa trẻ đến thăm ông bà tại trại dưỡng lão, nghĩ đến con nhỏ đang ở quê, tôi lại nuốt nước mắt vào trong", chị Hồng kể.

Chị Hồng đăng ký làm tăng ca, không nấu cơm mà ăn chung phần cơm với các cụ già tại trại dưỡng lão. Tuy nhiên, khẩu vị không hợp nên rất khó nuốt, nhiều hôm chị bị đau bụng, phải tạm nghỉ việc. Tiền làm được chị tiết kiệm gửi về cho chồng trả nợ, gần một năm sau thì thanh toán hết chi phí xuất ngoại.

Áp lực kiếm tiền của lao động xa xứ

Tags:

xuất khẩu lao động

Hà Tĩnh

lao động xa xứ

Tin nóng

Dân sinh

Bối cảnh

Tin cùng chuyên mục