13/03/2022 23:41

Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Dung

Nhạc sĩ qua đời hôm 8/3 ở tuổi 86 vì bệnh già. Vợ ông - nghệ sĩ Tuyết Nhung - giọng ca nổi tiếng một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam - cho biết cuối đời, khi sức khỏe xuống dốc, ông nghẹn ngào nói với gia đình: "Tôi chỉ muốn ở cạnh bà, các con cháu". Khi chồng sinh thời, bà là hậu phương vững chắc để ông yên tâm công tác, dành thời gian cống hiến cho nghệ thuật. Họ có một con trai làm ngành công nghệ, con gái là nhạc công.

Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Dung

Di ảnh nhạc sĩ Văn Dung.

Nhiều người bạn của ông như nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồng Đăng nay tuổi già sức yếu, không thể đến tiễn đưa đồng nghiệp, nhờ con cháu gửi vòng hoa. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói ông nể phục Văn Dung bởi đàn em sáng tác bằng góc nhìn thực tế của một nhà báo phát thanh, luôn bám sát từng sự kiện của đất nước.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kính nể Văn Dung bởi ông là tấm gương tiêu biểu của thế hệ văn nghệ sĩ thời chống Mỹ cứu nước. Không được đào tạo âm nhạc ở các trường, lớp chính quy, ông tự mày mò bồi đắp kiến thức, thường khuyên đàn em, con cháu nhiều câu nói thấm thía, như: "Chúng ta cần học ở trường đời, học từ tiếng nói, văn học, thơ ca người xưa để lại", "'Nhạc sĩ không chỉ cần học các thể loại âm nhạc mà còn cần đi thực tế để tác phẩm sống được"...

Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Dung

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia buồn cùng gia quyến.

Ông là một trong những người gây dựng chương trình Khắp nơi ca hát nổi tiếng một thời trên sóng phát thanh. Để làm series, ông đi bộ, đạp xe đạp, đi nhờ ôtô khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, vào miền Trung, miền Nam thu thập tư liệu, trang bị chỉ có một chiếc máy ghi âm cũ. Kinh nghiệm từ những chuyến đi, cộng với vốn kiến thức, thẩm mỹ của một trí thức Hà thành đã hình thành nên ngôn ngữ âm nhạc riêng đặc trưng của Văn Dung, bình dị mà sâu lắng, tiêu biểu qua các ca khúc Đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Khe Sanh.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Văn Dung trân trọng các thế hệ đàn anh như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hoàng Vân nhưng không lặp lại họ. "Gia tài tác phẩm của Văn Dung không nhiều nhưng có độ lan tỏa", ông Hồng Quân nói.

Trong quá trình làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ luôn trân trọng các tác phẩm mới, phát hiện nhiều nhạc sĩ, nâng đỡ họ. Ông còn góp công xây dựng đường hướng hoạt động cho Hội Âm nhạc Hà Nội cùng các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Trương Ngọc Ninh, Lân Cường, giúp hình thành hệ thống âm nhạc bài bản cho Hà Nội.

Chịu khó đi thực tế, mày mò nghiên cứu, ông được nhiều đồng nghiệp ví von như cuốn "từ điển sống" về âm nhạc. Ngoài 80 tuổi, trí nhớ ông vẫn tốt, có thể kể vanh vách từng cuộc gặp với nhạc sĩ Văn Cao, hoàn cảnh ra đời những ca khúc nổi tiếng.

Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Dung

Vợ nhạc sĩ Văn Dung, bà Tuyết Nhung (trái), nhìn mặt chồng lần cuối.

Là người thân thiết với nhạc sĩ Văn Dung, có nhiều thời gian gần gũi ông ở Hội Âm nhạc Hà Nội, Lân Cường thay mặt ban tổ chức đọc điếu văn đưa tiễn nghệ sĩ tài hoa. Ông nhắc lại câu nói của cố nghệ sĩ: "Đằng sau những nốt nhạc chính là lòng nhân ái. Chúng ta đã trải qua những năm tháng không thể nào quên, đã trải qua những năm tháng bom đạn, bao hy sinh xương máu, chính là để giành được những khát vọng xanh, khát vọng của hòa bình, tình yêu thương".

Ngoài các ca khúc cách mạng như Giải phóng quân ta đi, Tiến về Khe Sanh, Đường Trường Sơn xe anh qua, ông còn viết hàng chục bản cho các dàn nhạc, nhạc phim Mê Thảo - thời vang bóng, bài hát thiếu nhi Chim chích bông, Hành khúc Hội khỏe Phù Đổng. "Ông đi xa nhưng hôm nay và mãi mãi về sau, những ca khúc của ông vẫn vang vọng đến thế hệ mai sau", nhạc sĩ Lân Cường khép lại điếu văn.

Trong ký ức bạn bè, nhạc sĩ quảng giao, nhiệt tình, vui vẻ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: "Ông ra đi, giới sáng tác mất một tiếng cười". Nhạc sĩ Huy Du từng nói: "Văn Dung chơi với được cả thiên hạ". Ông có công kết nối giới văn nghệ sĩ hai miền, là bạn thân của nhiều tên tuổi ở TP HCM như Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Từ Huy.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhớ kỷ niệm thời cùng làm việc ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhạc sĩ thường pha trò chọc mọi người. Đáp lại, các nhạc sĩ chế câu hát "Em nghe tin vui bên đông Trường Sơn. Em nghe tin vui bên tây Trường Sơn" trong ca khúc Bài ca Đường 9 chiến thắng thành: "Anh Văn Dung ơi anh đang đi đâu. Nghe tiếng vợ ở trên đầu".

Nhạc sĩ Văn Dung sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông từng là Trưởng phòng Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc), ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, nhạc sĩ Cầm Phong đề nghị ông làm biên tập âm nhạc. Ông bắt đầu tìm hiểu kiến thức âm nhạc để phục vụ công việc. Nhờ những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Gia đình, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Văn Dung

Lê Xuân Hảo hát 'Đường Trường Sơn xe anh qua, nhạc sĩ Văn Dung. Video: VTV1

Tin cùng chuyên mục