Nét đẹp truyền thống xin chữ đầu Xuân
Mùa Tết cũng là mùa của yêu thương và sum vầy, là một đại tiệc sinh hoạt văn hóa, tinh thần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của mỗi miền quê và của cả dân tộc.
Khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, những bông hoa đào bắt đầu khoe sắc đỏ, những cành mai đã vào sắc vàng tươi, cũng là lúc Tết đến, xuân về. Mọi người cùng nhau nô nức đi lễ chùa, xin lộc, xin chữ đầu năm với mong muốn cho gia đình, người thân một năm mới mạnh khoẻ bình an, hòa thuận, công việc được hanh thông, thuận lợi. Đây là những mong ước bình dị mà chính đáng và được coi như một thứ gia vị làm đẹp thêm vào những ngày Tết của dân tộc Việt Nam.
Tương truyền, tục cho chữ xuất phát từ xa xưa, là thú chơi tao nhã của những nhà nho, thi sĩ viết chữ tặng nhau những khi Tết đến xuân về. Hay vào những dịp hội hè, khai trương, đình đám, họ ra câu đối để đối đáp nhau, làm thơ vịnh phú. Khi muốn xin chữ, thường là người ta tìm đến những người hay chữ, học rộng biết nhiều, là người sống tu dưỡng đạo đức, được mọi người kính trọng. Để giữ lễ, người xin chữ chuẩn bị một lễ nhỏ (thường là cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy Đồ, người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng và gia cảnh mà cho chữ thích hợp, mỗi chữ viết ra bằng cả Trí - Thần - Lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa, còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp.
Ngày nay, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà. Mỗi độ Tết đến xuân về, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại xuất hiện những ông đồ, mỗi người một xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mài mực, ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu hoa vuông vức xinh xắn để sẵn sàng cho những người xin chữ. Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt, họ đã sum tụ lại trên mảnh đất tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cùng nhau khôi phục và gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa người Việt, đó là xin chữ đầu xuân.
Xin chữ là một phong tục truyền thống, một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc mỗi dịp Tết đến xuân về. (Ảnh minh họa)
Chữ thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn, nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi... đều có màu đỏ. Chữ xin về thường được chủ nhà treo ở những nơi trang trọng trong nhà. Câu đối được xin về để treo đầu năm mới không chỉ nhằm trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, mà còn thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn.
Cùng với sự phát triển của xã hội, việc đón Tết, ăn Tết, nghĩ về Tết cũng có nhiều thay đổi. Vì thế, nhiều người vẫn hoài niệm và mong muốn tìm về không khí, dư âm của Tết xưa. Tết là bản sắc dân tộc hàng nghìn đời rồi ăn sâu vào tâm thức, tình cảm mỗi gia đình, cộng đồng làng quê không thể bỏ được. Do đó, việc cho chữ đầu năm từ bao thế hệ xưa tới nay vẫn được lưu truyền là cách bảo tồn bền vững nhất và có giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
-> Đầu năm xin chữ cầu may
Thanh Tùng
Tags:xin chữ đầu năm
đầu xuân xin chữ thầy đồ
xin chu
xin chu dau nam
Tin cùng chuyên mục
5 đặc điểm ở người phụ nữ khiến đàn ông vừa yêu vừa nể và muốn sống cùng cả đời
5 đặc điểm ở người phụ nữ khiến đàn ông vừa yêu vừa nể và muốn sống cùng cả đời