23/12/2023 16:16

Sao trời tối quá, mẹ ơi!

Đón tôi tại Trường dạy trẻ khuyết tật TP. Cần Thơ là thầy Nguyễn Văn Điệp - Phó Hiệu Trưởng. Sau những lời chào hỏi thầy chậm rãi giới thiệu về ngôi trường đặc thù giáo dục chuyên biệt với hơn 30 năm hoạt động, là nơi 129 em khiếm thị, khiếm thính và trẻ can thiệp sớm đang theo học.

Dọc hành lang nhìn vào các lớp khoảng 5 - 7 em khiếm thị, có em mù hoàn toàn, có em nhìn kém và dù chạy chữa khắp nơi cũng không cải thiện được thị lực. Bước chân tôi như được níu lại, bởi giọng đọc trong trẻo và diễn cảm của cô bé ngồi bàn đầu. Em có gương mặt sáng, đôi môi tròn xinh, những đầu ngón tay bé xíu di chuyển thành thục trên sách chữ nổi.

Sao trời tối quá, mẹ ơi!

Em Nguyễn Ngọc Phương Linh đang học chương trình lớp 4 tại Trường dạy trẻ khuyết tật TP. Cần Thơ

Thầy kể, đó là Nguyễn Ngọc Phương Linh đang học chương trình lớp 4, cũng chính là con gái của cô Dung đang đứng lớp. Không khỏi bất ngờ, trước mắt tôi là cô Dung - vừa là giáo viên vừa là người mẹ đang say sưa giảng bài, vẫn xưng hô cô trò như những em học sinh khác, trong tôi lại dâng lên một sự nể phục và trân quý tận đáy lòng.

Trong câu chuyện giờ ra chơi, chia sẻ về hành trình của 2 mẹ con cô Nguyễn Thị Dung buồn rầu: “Phải chi có thể chịu cảnh tối tăm thay con, nếu khuyết thiếu ấy nằm trên cơ thể của chị thì tốt biết bao”.

Sao trời tối quá, mẹ ơi!

Cô Dung - vừa là cô giáo vừa là mẹ của em Nguyễn Ngọc Phương Linh

Phương Linh sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác nhưng đến 18 tháng tuổi được chẩn đoán bị u nguyên bào võng mạc và gấp rút tiến hành mổ một bên mắt tại bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, em được chuyển sang bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục thực hiện 6 đợt hóa trị.

Ròng rã hơn 1 năm trời điều trị tại 2 bệnh viện với chi phí đắt đỏ nhưng do cơ thể Phương Linh không đáp ứng với thuốc nên không khống chế được các khối u. Bức rèm tối tăm buông xuống, vĩnh viễn đóng chặt nguồn sáng nơi đôi mắt Phương Linh. Đã không có kỳ tích nào xuất hiện với gia đình cô Dung.

“Hai vợ chồng cố nén nước mắt, gắng làm chỗ dựa cho con dù nỗi đau thấu tim gan. Thật sự, lúc đó anh chị cũng suy sụp và bất lực khi bé phải một mình chống chọi với 2 ca mổ mắt, 6 lần hoá trị và vô số lần thăm khám”, cô Dung không giấu được xúc động khi nói về câu chuyện của con.

Cô Dung nghẹn ngào: “Tới tận bây giờ, chị vẫn ám ảnh tiếng Linh gào thét liên tục gọi mẹ mở đèn lên “Sao trời tối quá, Mẹ ơi?”, lúc đó bé hốt hoảng lắm và mất bình tĩnh. Vừa ôm, vừa giải thích cho con hiểu mà lòng chị thắt lại”.

Sau một thời gian nguôi ngoai, cả nhà dần chấp nhận và cố gắng giúp Phương Linh thích nghi với cuộc sống mới.

Bông hoa “khuyết” bung sắc rực rỡ giữa đời

Tưởng như số phận cướp đi hết thảy nguồn vui sống nhưng may mắn Linh vẫn đón nhận sự hao khuyết của bản thân, hiểu chuyện, nỗ lực bội phần để học hỏi, khám phá. Dù khó khăn trăm bề, cô Dung vẫn đồng hành để Phương Linh có thể học tập, vui chơi, phát triển trong điều kiện tốt nhất.

Quyết định nghỉ việc tại trường công ở Hậu Giang, cô Dung xin về Trường Dạy Trẻ Khuyết Tật TP. Cần Thơ gắn bó với những đứa trẻ khiếm thị cũng như ở gần chăm sóc Linh. Cứ mỗi chiều thứ 6, hai mẹ con lại di chuyển gần 30 cây số về nhà ở Thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang) để Linh kịp giờ lên lớp học võ buổi tối.

Sao trời tối quá, mẹ ơi!

Phương Linh ở lớp võ buổi tối cuối tuần

Cô Dung mở điện thoại, tự hào khoe về những bức ảnh chụp con gái đạt được Đai vinh dự trong kỳ thi lên đai môn Vovinam. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực vượt qua rào cản bản thân, Phương Linh đã thực hiện đầy đủ các phần thi lý thuyết và thực hành tương tự các anh chị, bạn bè đồng môn.

Trên nét mặt của cô gái nhỏ toát lên sự bền bỉ, quyết tâm khi đứng tấn, gạt cạnh tay, đánh chỏ, ra đòn chân… một cách thuần thục, dứt khoát.

Sao trời tối quá, mẹ ơi!

Linh thực hiện đầy đủ các phần thi trong kỳ thi lên đai Vovinam

Không chỉ vậy, dường như cô bé đầy nghị lực này còn nhận được những cảm hứng tích cực về cuộc sống và sự cao quý của nghề giáo.

Cô Dung kể, Linh mong ước lớn lên trở thành cô giáo dạy chữ nổi cho học sinh khiếm thị và lan tỏa niềm tin yêu vào cuộc sống tốt đẹp đến với những cảnh đời kém may mắn. Chính vì thế, Phương Linh luôn nỗ lực học tập và rèn luyện các kỹ năng bơi lội, chơi cờ vua, cờ Domino hay tập chạy xe đạp, xe scooter… như một đứa trẻ bình thường.

Sao trời tối quá, mẹ ơi!

Phương Linh kể lại câu chuyện của mình tại ngôi trường đạc biệt

Rời ngôi trường đặc biệt nhưng khuôn mặt dễ thương mang nét đượm buồn và câu chuyện về cô bé Phương Linh vẫn còn vương vấn đâu đây.

Sự nỗ lực của Phương Linh đã chứng minh rằng khiếm khuyết cơ thể không còn là điều bất hạnh nếu bản thân bền chí kiên tâm vượt lên nghịch cảnh và vun đắp một tâm hồn đẹp để vẽ nên phiên bản chính mình trọn vẹn và bung sắc rực rỡ theo cách riêng.

Chuông Mây - Mộc An

Tags:

Bông hoa khuyết tại Trường dạy trẻ khuyết tật TP. Cần Thơ

Trường dạy trẻ khuyết tật TP. Cần Thơ

học sinh Trường dạy trẻ khuyết tật TP. Cần Thơ

Tin cùng chuyên mục







5 đặc điểm ở người phụ nữ khiến đàn ông vừa yêu vừa nể và muốn sống cùng cả đời

5 đặc điểm ở người phụ nữ khiến đàn ông vừa yêu vừa nể và muốn sống cùng cả đời